Thuật ngữ số hoá đang xuất hiện ngày càng dày đặc trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là sau thời điểm bùng nổ dịch Covid-19. Quá trình chuyển đổi này đã cho chúng ta thấy được nhiều ưu điểm cũng như tiềm năng không chỉ trong các lĩnh vực đời sống mà còn trong văn hoá – tinh thần. Chính vì lẽ đó, số hoá di sản văn hoá đang là một trong những mục tiêu mà Việt Nam đặt ra nhằm mục đích xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, để phục vụ cho công tác lưu trữ, quản lý, bảo tồn và quảng bá, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch.
Số hoá di sản là gì?
Số hoá di sản là việc thành lập cơ sở dữ liệu về việc lưu trữ các giá trị, hình ảnh, thông tin dưới các dạng văn bản, số liệu,.. các di sản văn hoá.
Làn gió mới trong công tác bảo tồn di sản
Chúng ta liên tục phải chạy đua với thời gian để lập hồ sơ, sửa chữa các công trình kiến trúc, các di tích lâu đời, thế nhưng không phải di sản nào cũng đủ điều kiện để có thể tiến hành bảo trì. Bởi lẽ đó, số hoá di sản đang dần biến đổi cách chúng ta tương tác với lịch sử, từ việc tạo mô hình 3D cho đến việc hoà mình vào không gian quan sát ảo, cung cấp góc nhìn sâu sắc về quá khứ và đóng vai trò then chốt trong công tác bảo tổn. Hiện nay có khoảng 3.500 di tích quốc gia và hơn 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, bằng việc số hoá các di sản văn hoá, chúng ta có thể lưu trữ số lượng khổng lồ các di tích, hiện vật của cả tư nhân lẫn nhà nước và thậm chí là các hiện vật đang thuộc quyền sở hữu của các quốc gia khác. Điều này vô hình chung sẽ giúp chúng ta giảm chi phí về nhân sự, mặt bằng mà vẫn có thể tiến hành nghiên cứu. Không dừng lại ở đấy, số hoá di sản cũng thuận lợi hơn cho các thế hệ mai sau trong công tác tu bổ, phục dựng di tích, đặc biệt là trong trường hợp di tích ấy bị xoá sổ bởi thiên tai.
Ngoài những lợi ích về chi phí, số hoá di sản còn giúp các giá trị được lan toả rộng rãi và nhanh chóng không chỉ ở trong nước mà cả trên thế giới. Việc áp dụng công nghệ vào các văn hoá di sản giúp các điểm di tích này trở nên thu hút hơn, tạo ra môi trường khám phá, thưởng thức các giá trị văn hoá với thế hệ cha ông, những thế hệ trẻ, thậm chí là các bạn yêu thích công nghệ. Đồng thời cũng tạo điều kiện để các địa điểm di tích này phát huy được thế mạnh sáng tạo trong ứng dụng các công nghệ tân tiến, tăng cường quảng bá và dễ dàng hơn trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu cho các bộ ngành khác.
Gian nan số hoá di sản
Không thể phủ nhận các tính năng vượt trội cũng như lợi ích mà số hoá di sản đem lại cho chúng ta, tuy nhiên đây là một chặng đường dài và đầy chông gai bởi những tài liệu về hàng nghìn di sản, bảo vật từ xưa đến nay được lưu trữ dưới dạng văn bản viết tay và được cất giữ tại Viện Bảo tồn Di tích. Theo đó, để đưa được hồ sơ của một di tích lên dữ liệu, cần phải có bộ phận nhân lực tiến hành rà soát toàn bộ dữ liệu trong kho lưu trữ, sau đó đi khảo sát, đối chiếu với hiện trạng thực tế và cập nhật bổ sung thông tin kịp thời. Quy trình này cần nhiều thời gian để hoàn thành, chưa kể đến những di tích có địa điểm xa xôi. Chúng ta phải chạy đua với thời gian để kịp thời lưu trữ các di tích khỏi hư tổn bởi tình trạng xuống cấp, xâm lấn và các tác nhân làm biến dạng di sản. Không chỉ có tác nhân do môi trường tác động mà tình trạng quá tải lượng khách tham quan cũng là tác nhân lớn gây nên hư tổn di sản.
Áp dụng công nghệ thực tế ảo vào số hoá di sản
Việt Nam đang trên con đường số hoá di sản với mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hoá trên nền tảng công nghệ số thống nhất, song song đó để có thể bắt kịp với sự phát triển vượt bậc của công nghệ trên thế giới. Việc áp dụng công nghệ thực tế ảo vào số hoá di sản văn hoá không còn quá xa lạ với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, các bảo tàng lịch sử, công trình di tích đang dần ghi tên mình vào cơ sở dữ liệu quốc gia. TS.Ngô Tự Lập – Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu việc số hóa các bảo tàng. Bảo tàng có hàng nghìn hiện vật đang được lưu trữ và không thể trưng bày một lúc hết tất cả. Việc số hóa giúp người xem có được cái nhìn tổng thể, bao quát. Đồng thời, người xem không bị giới hạn vì thời gian, có thể xem bất cứ lúc nào và không bị ảnh hưởng vì các điều kiện khách quan như địa lý, thời tiết”.
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là một trong những bảo tàng đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh ứng dụng công nghệ Bảo tàng thông minh (Smart Museum 3D/360), hơn 31 nghìn hiện vật bao gồm cả những Bảo vật quốc gia đã được số hoá bằng công nghệ quét ba chiều, không dừng lại ở đó, Bảo tàng còn kết hợp kỹ thuật hình ảnh 360 độ để người xem có trải nghiệm sát với thực tế bằng việc cho phép người xem có thể tương tác trực tiếp trên phần mềm để xoay, thu nhỏ hay phóng to. Ngoài ra các thông tin về cổ vật còn được thể hiện qua video, văn bản, giúp người xem có thể trải nghiệm các bài thuyết minh như trong thực tế, điều này không chỉ nâng cấp trải nghiệm mà còn phổ cập thêm kiến thức cho người xem.
Không chỉ bảo tàng mới có thể số hoá bằng công nghệ quét ba chiều hay triển khai chuyến tham quan thực tế ảo mà ngay cả những khu di tích lịch sử – văn hoá cũng có thể áp dụng công nghệ này. Điều này cho thấy sự linh hoạt cũng như tính ứng dụng cao của công nghệ này đối với đời sống văn hoá – tinh thần của chúng ta. Sở du lịch kết hợp với VRPLUS đã hoàn thành không ít chuyến tham quan thực tế ảo cho các khu di tích, cụm di tích, góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo tồn cũng như phát triển du lịch tại các địa điểm này. Các chuyến tham quan thực tế ảo này cho phép người xem có trải nghiệm từ bao quát đến các đường đi vào các di tích như trong thực tế, và hơn thế nữa, người xem vẫn được cập nhật các thông tin, kiến thức về địa điểm này thông qua các popup thông tin.
Câu chuyện số hoá di sản không đơn thuần chỉ là công nghệ mà còn là một quá trình nghiên cứu lâu dài để hội nhập và phát triển trong thời đại công nghệ số 4.0. Đồng thời, đây chính là cầu nối để đưa các di sản văn hoá đến gần hơn với đại chúng, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, từ đó đưa con người Việt Nam tiến xa hơn với thế giới, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Song song với việc phát triển về mọi mặt thì cùng với đó việc bảo tồn và gìn giữ di sản văn hoá cũng là việc làm cấp thiết.
—— Tham khảo thêm các giải pháp thực tế ảo:
- Thực tế ảo thay đổi hành trình trải nghiệm khách hàng, nâng cấp và chuyển đổi sales hiệu quả
- Ứng dụng Thực tế ảo trong các hoạt động sales & marketing
- Ứng dụng Sa bàn ảo VR 360 nhằm chuyển đổi, nâng cao hiệu quả bán và giới thiệu sản phẩm Bất động sản, du lịch & nghỉ dưỡng
- Ứng dụng thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR) trong bán lẻ, thương mại điện tử (virtual commerce, vcommerce, vretail)
- Email: hello@vrplus.vn
- Hotline: (+84) 963.186.388